Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

Cho vay bừa bãi, hãy hỏi Việt Nam!

Một ngày sau Hội nghị 6 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quan tâm của dư luận về các kết luận của cuộc họp vẫn rất lớn, đem lại số người đọc tăng đột biến vào trang web BBC Tiếng Việt trong 24 giờ qua.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 'được Trung ương trao nhiệm vụ'
BBC Tiếng Việt xin giới thiệu tiếp một số ý kiến đánh giá chính trị nội bộ nhân Hội nghị hoặc viễn cảnh kinh tế Việt Nam tới đây:

TS Lê Sỹ Long, Đại học Houston:

Điều tôi ghi nhận sau Hội nghị là Trung ương Đảng đã không dám kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giữa nhiệm kỳ 2 của ông ta vì sợ rằng sẽ làm hỏng liên minh chính trị trong Đảng. Ba phái trong liên minh: Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng bí thư và Văn phòng Chính phủ từng đủ năng động để đổi mới đất nước qua nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba phái này cũng đi theo tuần tự của việc thay đổi lãnh đạo, yếu tố đã và đang đóng vai trò cốt yếu để Việt Nam là một trong những thể chế độc đoán vững vàng nhất thế giới.

Biến liên minh đó thành một nền chính trị phe nhóm, nơi mà một phái thất vọng có thể đẩy phái kia ra khỏi ghế ngay giữa nhiệm kỳ, là điều mà các nhà lãnh đạo cộng sản luôn cố tránh. Một phần là vì họ biết từ thời Cuộc chiến Việt Nam, khi chế độ Miền Nam luôn bị phe phái phá vỡ: những kẻ trong thuyền đẩy những người ngồi ra ngoài.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là hành động hai phái của các ông Sang và Trọng đưa ra chống lại ông Dũng phản ảnh một thực tế hiện nay là chỉ có thay đổi nhân sự trong Ban Chấp hành Trung ương và các nhân vật được bổ nhiệm làm lãnh đạo những tập đoàn nhà nước thì Đảng mới có thể giành lại niềm tin của người dân.

Điều khác biệt giữa ông Sang và ông Dũng là chỗ, ông Sang tin rằng ông Dũng đã hư hỏng về đạo đức “trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, trong gia đình, vợ con”, còn về vai trò của các tập đoàn nhà nước thì hai ông này, đều là người miền Nam, có quan điểm giống nhau.

Raphael Cecchi, chuyên gia về châu Á của tập đoàn ONDD:



"Trên thực tế, Thủ tướng Dũng đã được Trung ương trao cho một nghị trình để thực hiện cho tới kỳ họp tiếp"


GS Carl Thayer

Đánh giá kinh tế Việt Nam thời gian qua, tôi nghĩ quyết định đúng của họ đã làm được là ngay từ đầu 2011 Nghị quyết 11 đưa ra được các biện pháp phục hồi kinh tế vĩ mô và giúp kiềm chế lạm phát.

Về các quyết định sai trái hoặc sự thiếu vắng các quyết định, thì chính sách lấy tăng trưởng làm tiền đề khi kinh tế bị quá nóng (tăng trưởng tín dụng của Việt Nam ở mức đột ngột và cao nhất châu Á trong thập niên qua), đã dẫn tới việc mất cân bằng, làm suy giảm niềm tin của giới đầu tư và thị trường Việt Nam và tiền đồng, đồng thời làm yếu hệ thống ngân hàng (vì tích lũy thêm nhiều nợ xấu).

Việc lập ra các tập đoàn nhà nước lớn mà điển hình là quản lý yếu kém, dồn nguồn tài nguyên sai trái, tài chính yếu kém và quản lý từ trên bị lỏng lẻo.

Cải cách cơ chế của Việt Nam cũng yếu, đặc biệt là vì đã tập trung ít vào các tập đoàn nhà nước thua lỗ, quản trị kém như Vinashin, và điều này đã làm hại tăng trưởng, làm trầm trọng thêm các căn bệnh của hệ thống và bài mòn niềm tin.

Tư nhân hóa cũng bị ngưng lại một thời gian, và trong các trường hợp này, trách nhiệm cần được đổ cho cả Thủ tướng Dũng và sự chống cự cải cách từ Đảng và các nhóm đặc quyền đặc lợi.

GS Carl Thayer, nhà bình luận từ Úc:

Trên thực tế, Thủ tướng Dũng đã được Trung ương trao cho một nghị trình để thực hiện. Và hội nghị trung ương lần tiếp theo, rất có thể sẽ mở ra vào tháng 12 hoặc đầu năm tới.

Và từ nay tới đó, Thủ tướng Dũng phải làm tốt, căn cứ vào những gì ông ta đã hứa khi tự phê. Sẽ có nỗ lực phối hợp để xác định rõ và xử những ai bị cho là chịu trách nhiệm về Vinashin và Vinalines. Ban Kinh tế Trung ương sẽ họp để tư vấn cho Đảng qua các phân tích nhằm buộc ông Dũng phải có trách nhiệm về hành vi của mình.

Bộ Chính trị cũng sẽ phải ra được một kế hoạch hành động mang tính phối hợp nhằm giải quyết các điều yếu kém đã nêu ra ở hội nghị trung ương lần này.


Bangkok Post cảnh báo khủng hoảng tới có thể xảy đến chỉ với Việt Nam và Myanmar

Umesh Pandey, trên báo Bangkok Post trong ngày hội nghị bế mạc:

Cho tới gần đây, Việt Nam khiến Thái Lan sợ vì có thể vượt qua Thái Lan về tăng trưởng và tính hấp dẫn đầu tư. Người ta cũng đặt câu hỏi có phải bạo loạn chính trị ở Thái Lan đã khiến nước họ tụt hậu sau Việt Nam. Nay thì chúng ta không còn nghe thấy những câu hỏi như vậy, và không phải vì Thái Lan làm gì hay hơn.

Điều cần được hỏi là có phải tại châu Á cách lãnh đạo Một Người đúng hay là không. Một Người ở Việt Nam đã có thể khiến nền kinh tế đất nước tốt hơn hoặc tồi đi. Chúng ta cũng thấy tình trạng tập trung quyền lực vào một cá nhân ở cả Philippines, Campuchia, Myanmar, nơi các ông Benigno Aquino, Hun Sen và Thein Sein chỉ đạo chính.

Hãy nghĩ đến chuyện đó, khi người ta có thể nêu ra rằng 7 trong 10 nền kinh tế Asean không được điều khiển bằng các lực lượng cơ bản của đất nước mà bị chỉ tay bởi một đảng hay một ông lớn.

Các điều hành độc đoán có thể tạo ra ổn định nhưng về lâu dài lại tạo rủi ro chính trị. Chúng ta đã thấy hậu quả của nó trong cuộc khủng hoảng kinh tế 1997.

Trong khi xảy ra khủng hoảng 1997 -98, các chế độ từng đem lại lợi ích kinh tế cho người dân có thể sống sót nhưng những người như Tổng thống Suharto bị sụp đổ vì ông không còn đem lại được gì cho Indonesia nữa.

Để một nhân vật quyền thế chỉ đạo các chính sách chỉ là cách làm tốt khi bối cảnh chung còn tốt, nhưng cách làm này có nhiều rủi ro khi tình hình xấu đi. Ổn định bề ngoài sẽ nhanh chóng nhường chỗ cho các tệ nạn như tham nhũng, bè phái, và từ đó dẫn đến các vấn đề lớn hơn trong tương lai.

Khi các vấn đề là thiếu thận trọng hay bất cẩn khi cho vay thì bạn hãy hỏi người Việt Nam nhé.

Cuộc khủng hoảng tiếp theo, nếu xảy ra, có thể sẽ xảy ra riêng với Việt Nam hoặc Myanmar mà không ảnh hưởng gì đến các nước Asean còn lại. Nhưng tác động của nó với tâm lý chung có thể rất lớn và sức hấp dẫn chung của cả khu vực có thể sẽ bị xóa mất.
Nguồn BBC