Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Cuộc chiến chống Trung Quốc 1979 đã bị xóa khỏi lich sử .

Một nén hương cho ngày 17/2/1979

Định Nguyên, thông tín viên RFA 2012-02-17

Trong lịch sử cận đại, Việt Nam được biết đến như là một quốc được gia hình thành bằng những cuộc chiến đẫm máu.
AFP PHOTO
Người dân Lạng Sơn di tản khỏi vùng nguy hiểm tại cuộc chiến biên giới Việt Trung hôm 23-02-1979.


Nhưng chính nó lại lãng quên phũ phàng một cuộc chiến rất ngắn ngủi nhưng khốc liệt, dã man và đầy kịch tính  đã xảy ra giữa những người đã từng là đồng chí với nhau,đó là cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979. Định Nguyên điểm lại sự kiện đau buồn này qua bài tường trình sau:

Sự lãng quên vô tình?

Ba mươi ba năm về trước, lúc 5g25’ sáng ngày 17/2/1979, tiếng đại pháo của quân Trung Quốc đồng loạt khai hỏa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Phong Thổ, Lai Châu đến địa đầu Móng Cái, mở đầu một cuộc chiến, mà đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh là “dạy cho quân côn đồ Việt Nam một bài học” (Đặng Tiểu Bình); đối với giới lãnh đạo Việt Nam là “trận đánh xâm lược của bọn bá quyền Trung Quốc” (Lê Duẫn). Còn đối với quốc tế thì đó là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba. Dù gọi dưới danh xưng gì đi nữa thì cuộc chiến này vẫn là một trong những trận chiến thảm khốc nhất Việt Nam dưới gốc độ hủy diệt và dã man trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Không có bất cứ số liệu nào chính thức và khả tín về con số thương vong của quân dân hai bên tham chiến, tuy nhiên con số mà người ta ước lượng là trên 100 ngàn người cho cả hai phía sau gần 30 ngày giao tranh đẫm máu sau khi Trung Quốc chính thức rút quân vào ngày 16/3/1979.
Tôi cũng như muôn nghìn người cầm súng bảo vệ biên cương. Tôi cũng đã hy sinh tất cả cho biên cương cho đất nước. Khi tôi về tôi cũng chả được gì.
Hà Văn Đồng
Mục tiêu mà Trung Quốc đưa ra để tiến hành cuộc chiến tuy vẫn còn khá rối rắm, mơ hồ, nhưng chuyện hủy diệt làng xóm, sát hại dân thường Việt Nam thì quá lộ liễu. Trên đường tấn công, quân Trung Quốc nã súng không thương tiếc đối với bất kỳ ai, bất kỳ vật gì mà họ gặp trên đường tiến quân. Sư đoàn 163 (Trung Quốc) nhận được lệnh từ cấp trên là “sát cách vô luận” (giết người không bi buộc tội) do vậy lính Trung Quốc vô tư, “rộng rãi” sử dụng đại bác, hỏa tiển, súng phun lửa, mìn và kể cả xăng để tiêu diệt từ làng này sang làng khác, hết chục người này đến trăm, ngàn người khác.
Trong một bài viết, nhà báo Huy Đức đã hé mở một sự thật mà ít người có dịp tiếp cận đó là “Nếu như, ở Bát Xát (Lào Cai), hàng trăm phụ nữ bị hãm hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến sang, thì tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày 9/3/1979, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người gồm 23 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol Pốt. 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối.”
Kết quả đó đã được Đặng Tiểu Bình hả hê xác nhận chủ tâm dã man này trong một bài nói chuyện đúng vào ngày rút quân của Trung Quốc: “Mười một ngày này trên đường trở về đã quét dọn một số hang, có một số vật tư giấu ở hang này hang nọ, một số thôn trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người.”
000_Hkg2116120-250.jpg
Quân đội Việt Nam tại cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979, ảnh chụp hôm 23-02-1979. AFP PHOTO.
Ngày này, ba mươi ba năm sau, dường như không còn chút vết tích gì về cuộc chiến đó trên quê hương Việt Nam. Đối với những nạn nhân trong chiến cuộc thì câu hỏi lớn và đau đớn nhất của họ trong ngày này đây là một sự lãng quên vô tình hay phản bội? Bởi toàn bộ hệ thống truyền thông, báo chí chính thống của nhà nước không hề nêu lên một chữ dù chỉ để nhắc nhớ như đã từng nhắc nhớ về những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ?
Trong hàng loạt những hoạt động tưởng nhớ, đền ơn những người có công với đất nước người ta không hề nghe đến những người đã hy sinh cho tổ quốc trong trận chiến với “quân xâm lược Trung Quốc”. vào tháng 2 năm 1979. Trên các tỉnh phía Bắc, nơi xảy ra cuộc chiến, cũng không có lấy một tấm bia ghi nhớ cuộc chiến để nhắc nhớ con cháu đời sau.

Hữu nghị thì phải có đấu tranh

Không phải bây giờ mà từ năm ngoái tờ báo SGTT trong một bài viết đã than thở: “Không có nhiều ký ức về ngày này 32 năm trước tại thành phố Lào Cai. Tôi đi rạc chân quanh thành phố, hỏi thăm khắp lượt, mọi người tôi hỏi đều lắc đầu không biết quanh thành phố Lào Cai có tấm bia kỷ niệm nào về cuộc chiến tàn khốc trong 16 ngày của 32 năm trước...”.
Cũng có những nghĩa trang chôn cất những người đã hy sinh trong trận chiến nhưng lại đìu hiu đến ngậm ngùi. Nghĩa trang Duyên Hải, Lào Cai là một điển hình chua xót. Cũng từ chủ nghĩa ấy các anh đã cầm súng và hy sinh, và sự hy sinh của các anh ngày hôm nay đã biến vào hư không, âm thầm như nhũng cái chết vô danh. Những nấm mộ này vẫn đang nằm trong lãng quên của nhiều người, ngoại trừ nỗi buồn phiền của người thân các anh.
Tại sao như vậy? Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ của VN tại Trung Quốc, khi được hỏi vế nguyên nhân của sự lãng quên này ông nói:
Thì cứ quan hệ bình thường, nhưng bình thường thì không thể nào không nhớ đến những ngày đau xót ấy được. Hữu nghị thì phải có đấu tranh.
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
“Đáng lẽ những ngày như thế phải có lễ kỹ niệm, bởi vì đó là ngày Trung Quốc đánh chúng ta đấy, chúng ta mất mát nhiều lắm rồi. Trung Quốc tàn phá biên giới của chúng tôi; giết hại đồng bào của chúng tôi; chiếm những cao điểm của chúng tôi. Đó là một dấu mốc mà nhân dân chúng tôi rất là đau xót. Đáng ra phải có lễ kỹ niệm, nhưng tôi không hiểu sao? Một là do sức ép của Trung Quốc đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam, và họ vẫn thường đưa ra “16 chữ vàng” rồi thì hữu tình , hữu nghị, rồi thì “4 tốt” để mà mê hoặc lãnh đạo chúng tôi để không làm gì cả.
Chứ đáng lẽ những ngày đau xót này, những ngày mà người ta xâm lược đất nước mình thì phải có ý kiến. Theo tôi đó là do Trung Quốc vừa ăn cướp vừa bịt miệng chúng ta, vừa ăn cướp vừa muốn bịt miệng nạn nhân. Nếu tôi là lãnh đạo tôi sẽ làm lễ kỹ niệm. Bây giờ bình thường thì cứ quan hệ bình thường, vẫn trao đổi làm ăn buôn bán với nhau. Nhưng bình thường thì không thể nào không nhớ đến những ngày đau xót ấy được. Hữu nghị thì phải có đấu tranh. Không thể để người ta cứ làm bừa rồi đưa bài hữu nghị ra bịt miệng mình được.”
Người chết thì vậy những người may mắn sống sót nhưng tàn phế thì sao? Anh Hà Văn Đồng, một trong những người như thế, cho biết về cuộc sống của anh sau 33 năm trở về từ cuộc chiến:
“Đã là công dân ai cũng có nghĩa vụ thiêng liêng là giữ vững chủ quyền của tổ quốc. Tôi cũng như muôn nghìn người cầm súng bảo vệ biên cương. Tôi cũng đã hy sinh tất cả cho biên cương cho đất nước. Khi tôi về tôi cũng chả được gì. Bản thân tôi nó cũng có những cái thiệt thòi. Tóm lại tôi không dám nói như thế nào cho đúng nữa.”
Liệu pháp “16 chữ vàng” xuất hiện trong bối cảnh nào mà đã xóa sạch mọi vết tích của trận chiến ngày 17/2/1979. Thậm chí nó còn hủy diệt sức đề kháng trước ngoại xâm của dân tộc Việt Nam?
Liệu có thể mang một lời trách cứ đến với chính quyền Việt Nam khi hình ảnh 16 chữ vàng đã nghiễm nhiên thay chỗ cho những khuôn mặt đầy máu, những thân hình xiêu vẹo nghiêng ngã cùng những hy sinh không đếm được của hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào trong cuộc chiến 17 tháng 2 này.

Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh